
Mưa đá được hình thành như thế nào?
Mưa đá và dông gây mưa đá xuất hiện nhiều trong các tháng chuyển tiếp ở Việt Nam, khi các khối không khí lạnh di chuyển về phía nam va chạm với các khối không khí nóng và bất ổn định hơn tồn tại từ trước, nhất là trên những khu vực có địa hình cao. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn. Riêng ở vùng núi phía bắc Việt Nam , từ tháng 1 đến tháng 5 hàng năm thường xuất hiện mưa đá, nhiều nhất là từ tháng 3 đến tháng 5. Có ba loại dông gây mưa đá dữ dội ở Việt Nam, đó là: loại thứ nhất tập trung ở vùng đồng bằng nhiệt đới có độ cao thấp, loại thứ hai cũng phổ biến ở vùng nhiệt đới nhưng trên khu vực rộng lớn có độ cao lớn hơn (điển hình như khu vực Tây Nguyên), và loại thứ ba phát sinh ở các vùng núi vĩ độ cao Bắc Bán Cầu (điển hình như khu vực Tây Bắc).
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dáng và kích thước khác nhau do đối lưu cực mạnh từ các đám mây dông gây ra. Kích thước có thể từ 5 mm đến hàng chục cm, thường cỡ khoảng một vài cm, có dạng hình cầu không cân đối. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào. Mưa đá thường kết thúc rất nhanh chỉ trong vòng 5 -10 phút, lâu nhất cho cả một vệt mưa cũng chỉ 20 - 30 phút.
Hiện nay, các mô hình dự báo thời tiết số với độ phân giải đối lưu đã tạo ra một bước tiến rất lớn trong việc dự báo hiển các cơn dông gây mưa đá cùng với phân bố kích thước hạt đá trong các trường hợp thực tế. Kích thước ước lượng cực đại của hạt mưa đá được xác định từ các sản phẩm radar thời tiết được sử dụng thay cho các quan trắc mưa đá.
Thông tin về mưa đá năm 2025 xem tại link dưới đây:
https://www.youtube.com/watch?v=ytM6A-pqAzY&t=199s
Cập nhật các nghiên cứu gần đây về mưa đá ở Việt Nam:
- Doan Manh Duy, Nguyen Minh Truong, Nguyen Vinh Thu, Hoang Thi Thanh Thuat (2024) A numerical experiment on hail forecast: Hailstorms on 17 March 2020 in western North Vietnam, Vietnam Journal of Earth Sciences, 1-15, DOI: https://doi.org/10.15625/2615-9783/21329.
- Duy, Đ. M. và N. M. Trường (2022) Dự báo lại đợt dông gây mưa đá ngày 24–25/01/2020 trên khu vực Đông Bắc Bộ bằng mô hình số, Tạp chí Khí tượng Thủy văn, 737, 1-14.